Sidebar

Magazine menu

03
Tue, Dec

QUY CHẾ XÂY DỰNG NGÂN HÀNG ĐỀ THI, RA ĐỀ THI VÀ TỔ CHỨC THI TRẮC NGHIỆM TRÊN MÁY VI TÍNH

Văn bản của nhà trường

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

(Ban hành kèm theo Quyết định số 682/QĐ - TTTT&KT ngày 25/12/2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Quy chế này quy định về việc xây dựng ngân hàng đề thi, ra đề thi và tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính; quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ coi thi và của sinh viên dự thi kết thúc học phần trên máy vi tính.
  2. Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, giáo viên và sinh viên ở bậc đại học, cao đẳng thuộc các hệ đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương.
  3. Các Khoa, Bộ môn của Nhà trường đều phải chuẩn bị và thực hiện thi trắc nghiệm trên máy vi tính cho các môn học do Khoa, Bộ môn quản lý.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

  1. Máy chủ là máy vi tính được sử dụng để ra đề thi, chấm thi và lưu bài thi của sinh viên.
  2. Máy trạm là máy vi tính sinh viên sử dụng để làm bài thi và nộp bài thi.
  3. Moodle là phần mềm hệ thống được sử dụng để tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
  4. Sự cố trong quá trình thi là những sự kiện xảy ra như mất điện, sinh viên thực hiện sai thao tác kỹ thuật, quá thời gian làm bài và các sự kiện khách quan khác làm cho bài thi của sinh viên không có điểm hoặc sinh viên nhận điểm 0.
  5. Đề thi là tập hợp các câu hỏi do máy tính và phần mềm moodle sinh ra trên cơ sở mẫu đề thi.
  6. Mẫu đề thi là cơ cấu, cách lấy các câu hỏi trong ngân hàng đề thi để tạo đề thi được nêu trong Đề nghị ra đề thi.
  7. Trung tâm Thông tin và Khảo thí (sau đây viết tắt là TTTT&KT) là đơn vị được Hiệu trưởng giao trách nhiệm tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
  8. Ban thông tin - Khảo thí - Thư viện (sau đây gọi tắt là TT-KT-TV) là đơn vị được Hiệu trưởng giao trách nhiệm tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính tại Cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chương II

 XÂY DỰNG NGÂN HÀNG ĐỀ THI

Điều 3. Tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi

  1. Trưởng khoa/Bộ môn chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu trong việc chỉ đạo, hướng dẫn môn học trực thuộc Khoa/Bộ môn mình biên soạn ngân hàng đề thi, đáp án và thang điểm (nếu có). Các môn học tổ chức biên soạn ngân hàng đề thi dưới sự giám sát về mặt chuyên môn của Trưởng bộ môn.
  2. Ngân hàng đề thi phải được biên soạn theo hướng “phủ kín” chương trình môn học với số lượng từ 7 đến 10 câu hỏi/1 tiết học, tức là từ 105 đến 150 câu hỏi/1 đơn vị học trình.
  3. Nội dung câu hỏi trong ngân hàng đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ và cập nhật. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, mạch lạc, đúng văn phạm.
  4. Trưởng bộ môn trực tiếp chỉ đạo việc đánh máy vi tính, mã hoá, in, niêm phong, bảo quản và bảo mật ngân hàng đề thi trước khi bàn giao cho TTTT&KT.
  5. Bộ môn có trách nhiệm xây dựng ngân hàng đề thi có từ 105 đến 150 câu hỏi/1 đơn vị học trình. Khi ngân hàng đề thi có từ 105 đến 150 câu hỏi/1 đơn vị học trình, các Bộ môn có quyền quyết định công khai ngân hàng đề thi (có đáp án hoặc không kèm đáp án) hoặc tiếp tục bảo mật. Mỗi một năm học, Bộ môn có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế tối đã 20% số lượng câu hỏi có trong ngân hàng đề thi.
  6. Việc sửa chữa, bổ sung hoặc thay thế câu hỏi trong ngân hàng đề thi phải theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
  7. Ngân hàng đề thi, đáp án khi chưa công bố là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước ở mức độ “tối mật” do TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) lưu giữ theo chế độ bảo mật.
  8. Ngân hàng đề thi, đáp án chỉ được sử dụng để tạo đề thi khi đảm bảo đúng quy định tại Điều 5 và Điều 8 của Quy chế này.

Điều 4. Các dạng câu hỏi được sử dụng để xây dựng ngân hàng đề thi

  1. Việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm trên máy vi tính phải sử dụng các dạng câu hỏi được thiết kế sẵn trong phần mềm Moodle. Cụ thể là:
  2. a) Dạng câu hỏi nhiều lựa chọn 1 đáp án hoặc chọn nhiều đáp án.
  3. b) Dạng câu hỏi đúng/sai.
  4. c) Dạng câu hỏi trả lời ngắn.
  5. d) Dạng câu hỏi so khớp.
  6. TTTT&KT chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu về việc hướng dẫn chi tiết soạn thảo các dạng câu hỏi nêu tại khoản 1 Điều này khi có đề nghị của các Khoa/Bộ môn.

Điều 5. Thời gian bàn giao ngân hàng đề thi và đáp án

Ngân hàng đề thi và đáp án của mỗi môn thi phải được bàn giao 2 bản (một bản cứng và một bản mềm) cho TTTT&KT ít nhất hai (02) tháng trước khi môn thi đó được tổ chức thi lần đầu tiên. Bản cứng ngân hàng đề thi phải có chữ ký của Trưởng bộ môn và Trưởng khoa. Việc bàn giao ngân hàng đề thi và đáp án phải được lập thành văn bản có chữ ký của lãnh đạo TTTT&KT và Trưởng bộ môn.

Điều 6. Chỉnh sửa, bổ sung ngân hàng đề thi

  1. Sau khi ngân hàng đề thi đã được bàn giao cho TTTT&KT, các Bộ môn có thể chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế câu hỏi trong ngân hàng đề thi khi cần thiết. Các Bộ môn phải thông báo cho TTTT&KT về việc chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế câu hỏi trong ngân hàng đề thi ít nhất là một (01) tuần trước khi tiến hành việc chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế.
  2. Việc chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế câu hỏi trong ngân hàng đề thi phải được tiến hành ít nhất là một (01) tháng trước khi thi. Trong những trường hợp đặc biệt sẽ do lãnh đạo TTTT&KT quyết định. Việc chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế câu hỏi trong ngân hàng đề thi phải được lập thành văn bản có xác nhận của Trưởng bộ môn hoặc giáo viên giảng dạy môn đó và cán bộ phụ trách đề thi của TTTT&KT.

Chương III

SỐ LẦN ĐƯỢC DỰ THI VÀ RA ĐỀ THI

Điều 7. Số lần dự thi

  1. Mỗi một học phần, sinh viên hệ chính quy được dự thi 2 lần (lần 1 và lần 2), sinh viên hệ phi chính quy được dự thi tối đa 3 lần (lần 1, lần 2 và lần 3).
  2. Sinh viên vắng mặt trong lần thi nào, nếu không có lý do chính đáng, thì phải nhận điểm 0 ở lần thi đó. Quyền dự thi các lần thi tiếp theo sau đó áp dụng theo các quy định tại Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 8. Đề nghị ra đề thi

  1. Trước ngày thi lần một ít nhất ba (03) ngày, Trưởng bộ môn phải gửi Đề nghị ra đề thi lần 1 có yêu cầu mẫu đề thi theo Phụ lục 1 của Quy chế này cho TTTT&KT. Nếu TTTT&KT không nhận được Đề nghị ra đề thi lần 1 của Trưởng bộ môn thì TTTT&KT sẽ không tổ chức thi môn đó. Trưởng bộ môn sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm tổ chức lại kỳ thi của môn thi đó.

Trong trường hợp thi lần 2 hoặc lần 3, trừ khi có Đề nghị ra đề thi lần 2 hoặc lần 3 gửi TTTT&KT trước ngày thi lần 2 hoặc lần 3 ít nhất ba (03) ngày, TTTT&KT sẽ sử dụng Đề nghị ra đề thi            lần 1.

  1. Mỗi đề thi có thời gian làm bài không quá 45 phút.

Điều 9. Ra đề thi lần 1, đề thi lần 2 hoặc đề thi lần 3

  1. Việc ra đề thi sẽ do TTTT&KT đảm nhiệm. Đề thi sẽ được lấy từ ngân hàng đề thi theo đúng Đề nghị ra đề thi của Trưởng Bộ môn. Mỗi môn thi TTTT&KT sẽ ra hai (02) đề thi: đề thi chính thức và đề thi dự phòng. Đề thi dự phòng chỉ được sử dụng khi có sự cố về kỹ thuật, về nguồn điện hoặc lý do bất khả kháng khác mà sinh viên không thể truy cập vào làm đề thi chính thức của lần 1 hoặc lần 2 hoặc lần 3.
  2. Việc ra đề thi cho lần 2 và lần 3 được thực hiện theo đúng khoản 1 Điều này và Điều 8 của Quy chế này.

Chương IV

TỔ CHỨC THI, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ COI THI VÀ CỦA SINH VIÊN

Điều 10. Lịch thi

Căn cứ lịch tiến độ đầu năm học của Phòng Quản lý Ðào tạo (Ban Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên), Khoa Đào tạo Tại chức, TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) chịu trách nhiệm lên lịch thi cụ thể đối với các môn thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

Trong trường hợp, cùng môn thi nhưng có sự khác nhau giữa thời gian thi theo lịch thi của Phòng Quản lý Ðào tạo (Ban Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên) hoặc của Khoa Đào tạo Tại chức và lịch thi của TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) thì áp dụng thời gian thi theo lịch thi của TTTT&KT (Ban TT-KT-TV).

Điều 11. Coi thi

  1. Mỗi một đợt thi sẽ có hai cán bộ coi thi, trong đó cán bộ coi thi thứ nhất (CBCT1) là một (01) cán bộ của TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) và cán bộ coi thi thứ hai (CBCT2) là một (01) giáo viên do Khoa/Bộ môn/Tổ bộ môn phân công.
  2. Cán bộ coi thi phải đeo thẻ đúng quy định.
  3. Cán bộ coi thi chỉ được cho phép những sinh viên có thẻ sinh viên và có tên trong danh sách thi do Phòng Quản lý Ðào tạo cung cấp vào phòng thi.

Điều 12. Điểm thi

  1. Sau khi sinh viên cuối cùng của đợt thi nộp bài và kết thúc bài thi, CBCT 1 sẽ in bảng điểm có sự giám sát của CBCT2. CBCT 2 công bố điểm cho sinh viên biết và yêu cầu sinh viên ký tên vào bảng điểm.

Bảng điểm ghi theo mẫu thống nhất của Trường tại Phụ lục số 2 của Quy chế này. Bảng điểm phải có chữ ký của sinh viên dự thi, của cán bộ coi thi, của giáo viên giảng dạy và có xác nhận của lãnh đạo TTTT&KT (Ban TT-KT-TV), của Trưởng khoa (hoặc Trưởng bộ môn trực thuộc Ban Giám hiệu).

  1. Điểm thi sẽ được chuyển cho các Khoa/Bộ môn/Tổ bộ môn có môn thi trong vòng 2 ngày làm việc sau khi thi xong môn đó.
  2. Bài thi của sinh viên và điểm các bài thi sẽ do TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) lưu trữ và quản lý trên máy chủ ít nhất là 02 năm.

Điều 13. Trách nhiệm của cán bộ coi thi

  1. Cán bộ coi thi phải có mặt đúng giờ và thường xuyên tại phòng thi để làm các nhiệm vụ theo trình tự sau đây:
  2. a) Đến giờ thi, CBCT 2 gọi tên sinh viên vào phòng thi, kiểm tra thẻ sinh viên và yêu cầu sinh viên ngồi đúng theo số báo danh trong danh sách dự thi (số báo danh trong danh sách dự thi chính là số thứ tự ghi trên máy trạm), kiểm tra các vật dụng sinh viên mang vào phòng thi, tuyệt đối không để sinh viên mang vào phòng thi mọi tài liệu và vật dụng đã bị cấm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 của Quy chế này.
  3. b) CBCT 1 nhắc nhở sinh viên những điều cần thiết về kỷ luật phòng thi; hướng dẫn sinh viên quy trình thi; các thao tác kỹ thuật để truy cập vào làm bài thi. CBCT 2 kiểm tra tên sinh viên trên màn hình máy trạm và tên trên thẻ sinh viên.
  4. c) Trong giờ làm bài, CBCT 2 bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi. Cán bộ coi thi không đứng gần sinh viên khi họ làm bài. Khi sinh viên hỏi điều gì, cán bộ coi thi chỉ được trả lời công khai trong phạm vi quy định.
  5. Cán bộ coi thi không được làm nhiệm vụ tại phòng thi nơi có người thân (vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột) dự thi; không được giúp đỡ sinh viên làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào; không được làm việc riêng; không được hút thuốc, uống bia, rượu, không được sử dụng điện thoại di động trong khi coi thi.
  6. Nếu có sinh viên vi phạm kỷ luật thì cán bộ coi thi phải lập biên bản xử lý theo đúng Quy chế hiện hành của Trường Đại học Ngoại thương về thi kết thúc học phần (ban hành kèm theo Quyết định số 1938/QLĐT ngày 15 tháng 5 năm 2006 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương).

Điều 14. Trách nhiệm của sinh viên trong kỳ thi

  1. Sinh viên phải có mặt tại Phòng thi theo đúng ngày, giờ quy định. Sinh viên đến chậm quá 15 phút kể từ khi cán bộ coi thi cho phép sinh viên đăng nhập vào hệ thống thi trắc nghiệm trên máy vi tính thì không được thi môn đó.
  2. Sinh viên phải sử dụng đúng và chịu trách nhiệm bảo mật mã số sinh viên đã được cấp để truy cập vào hệ thống thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Mã số sinh viên được cấp theo quy ước nêu tại Mã số cán bộ, giáo viên và sinh viên ban hành kèm theo Quyết định số 812/QĐ-ĐHNT của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương ngày 5/8/2010 về việc áp dụng hệ thống mã cán bộ, giáo viên, sinh viên.
  3. Sinh viên chỉ được phép dự thi khi xuất trình thẻ sinh viên và có tên trong danh sách dự thi.
  4. Khi vào phòng thi, sinh viên phải tuân thủ các quy định sau đây:
  5. a) Xuất trình thẻ sinh viên cho cán bộ coi thi;
  6. b) Không mang vào phòng thi tài liệu, điện thoại, máy ảnh, phương tiện kỹ thuật thu phát truyền tin, phương tiện sao chép dữ liệu…;
  7. c) Giữ trật tự trong phòng thi và ngồi đúng số thứ tự ghi trên máy trạm;
  8. d) Tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi;
  9. e) Không được nhìn bài của sinh viên khác, không được trao đổi trong khi thi và thực hiện các hành vi gian lận khác;
  10. g) Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải dữ liệu đề thi, bất kỳ thông tin nào liên quan đến đề thi, câu hỏi thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào;
  11. h) Trong suốt quá trình thi chỉ được phép sử dụng hệ thống thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Ngoài ra, không được phép sử dụng bất cứ ứng dụng nào khác của máy vi tính;
  12. i) Nghiêm cấm mọi hình thức thi hộ, thi kèm;
  13. k) Sinh viên chỉ được rời khỏi phòng thi sau khi đã ký xác nhận điểm vào Bảng điểm. Nghiêm cấm mọi hình thức ký thay. Sau khi nộp bài và kết thúc, nếu sinh viên không ký vào bảng điểm thì sinh viên đó nhận điểm không (0) hoặc nếu cán bộ coi thi phát hiện sinh viên ký thay thì kết quả thi của sinh viên ký thay và sinh viên được ký thay sẽ bị huỷ.

Điều 15. Tổ chức giải quyết các sự cố trong quá trình thi và phúc khảo

  1. Tổ chức giải quyết các sự cố trong quá trình thi

Nếu sinh viên gặp phải sự cố trong quá trình thi thì cán bộ coi thi sẽ cho phép sinh viên đó làm bài thi thêm một (01) lần nữa bằng việc sử dụng đề thi dự phòng ngay sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo TTTT&KT (Ban TT-KT-TV).

  1. Tổ chức phúc khảo
  2. a) Sau khi công bố điểm thi, TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) chỉ nhận đơn xin phúc khảo có xác nhận của giáo viên giảng dạy học phần đó trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố điểm thi và phải trả lời chậm nhất là 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn.
  3. b) Việc tổ chức phúc khảo tiến hành theo từng môn thi dưới sự điều hành trực tiếp của lãnh đạo TTTT&KT (Ban TT-KT-TV).
  4. c) Tham gia phúc khảo gồm sinh viên yêu cầu phúc khảo, giáo viên giảng dạy học phần đó và một cán bộ (01) cán bộ của TTTT&KT (Ban TT-KT-TV). Kết quả phúc khảo phải báo cáo lãnh đạo TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) bằng văn bản.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Xử lý cán bộ, giáo viên, vi phạm quy chế thi

  1. Người tham gia công tác tổ chức thi có hành vi vi phạm quy chế (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau khi kỳ thi kết thúc học phần), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ nặng nhẹ, sẽ bị xử lý theo đúng quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, Công chức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26/2/1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003 và Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
  2. a) Khiển trách đối với những người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ.
  3. b) Cảnh cáo đối với những người để cho sinh viên tự do quay cóp, mang và sử dụng tài liệu hoặc máy ảnh, các phương tiện thu phát truyền tin, sao chép dữ liệu... tại phòng thi khi bị cán bộ Ban kiểm tra - giám sát quy định về thi kết thúc học phần phát hiện và lập biên bản.
  4. c) Tùy theo mức độ vi phạm có thể hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển công tác khác đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Tham gia vào các hành động tiêu cực liên quan đến thi cử.

- Trực tiếp giải bài rồi hướng dẫn cho sinh viên lúc đang thi.

  1. d) Buộc thôi việc hoặc bị truy tố trước pháp luật đối với người có hành vi chữa điểm bài thi.
  2. e) Những cán bộ, giáo viên tuy không tham gia tổ chức thi nhưng nếu có các hành vi tiêu cực như: làm lộ đề thi khi chưa có quyết định công khai ngân hàng đề thi của Bộ môn, thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, gây rối làm mất trật tự tại phòng thi sẽ bị buộc thôi việc.

Những hình thức kỷ luật nói trên do Hiệu trưởng quyết định theo đề xuất của lãnh đạo TTTT&KT (Ban TT-KT-TV) và Hội đồng kỷ luật của Nhà trường.

Điều 17. Xử lý sinh viên vi phạm quy chế

Đối với những sinh viên vi phạm quy chế đều phải lập biên bản và tùy mức độ nặng nhẹ xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

  1. Khiển trách áp dụng đối với những sinh viên phạm lỗi một lần: nhìn bài của bạn, trao đổi với bạn (hình thức này do cán bộ coi thi quyết định tại Biên bản được lập). Sinh viên bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% số điểm thi của môn đó ngay khi in bảng điểm.
  2. Cảnh cáo đối với các sinh viên vi phạm một trong các lỗi sau đây:
  3. a) Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế.
  4. b) Mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu hoặc các vật dụng gây nguy hại khác.
  5. c) Trao đổi bài hoặc giấy nháp cho bạn.

Sinh viên bị kỷ luật cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% số điểm thi của môn đó ngay khi in bảng điểm. Hình thức kỷ luật cảnh cáo do cán bộ coi thi lập Biên bản, thu tang vật và ghi rõ hình thức kỷ luật trong biên bản.

  1. Đình chỉ thi đối với các sinh viên vi phạm một trong các lỗi sau đây:
  2. a) Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế.
  3. b) Khi vào phòng thi còn mang theo các tài liệu, vật dụng trái quy định tại điểm b khoản 4 điều 14 của Quy chế này.
  4. c) Có hành vi vi phạm các quy định nêu tại điểm g, h, i, k khoản 4 Điều 14 của Quy chế này.
  5. d) Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa sinh viên khác.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo do cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật và ghi rõ hình thức kỷ luật trong biên bản. Sinh viên bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó; phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi cán bộ coi thi lập xong Biên bản.

  1. Việc xử lý kỷ luật sinh viên phải được công bố cho sinh viên biết. Nếu sinh viên không chịu ký tên vào Biên bản thì hai cán bộ coi thi ký vào Biên bản.
  2. Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 1 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

Chương VI

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm thực hiện

  1. Các Khoa, Bộ môn trực thuộc chịu trách nhiệm phổ biến nội dung Quy chế này đến từng cán bộ, giáo viên trong Khoa, Bộ môn mình. Các bộ phận quản lý quán triệt tới từng sinh viên biết và nghiêm túc thực hiện.
  2. Phòng Quản lý Đào tạo, Khoa Đào tạo Tại chức phối hợp với TTTT&KT lên lịch thi trắc nghiệm trên máy vi tính, chịu trách nhiệm cung cấp danh sách sinh viên dự thi.
  3. Phòng Quản trị thiết bị chịu trách nhiệm phân công nhân viên mở cửa, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ thi trắc nghiệm trên máy tính (điều hòa, hệ thống micro, máy vi tính... ) theo đúng thời gian và địa điểm ghi trên lịch thi trắc nghiệm trên máy tính.
  4. Thủ tục, quy trình thực hiện Quy chế này tại Cơ sở 2 thành phố Hồ Chí Minh do Giám đốc Cơ sở 2 quy định.

Điều 19. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phát hiện và đề xuất, báo cáo với Ban Giám hiệu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế kịp thời.

 

THÔNG BÁO

VĂN BẢN - BIỂU MẪU

Số lượng truy cập

20127310
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
12322
11939
24261
19940052
41847
668764
20127310

Địa chỉ IP: 18.191.240.15
2024-12-03